Biến

Biến là một tên được đặt cho một vùng lưu trữ dữ liệu. Thí dụ thế này cho dễ hiểu: tưởng tượng mỗi dữ liệu (một số, một chữ, một ma trận…) trong Matlab đều được lưu trữ vào một cái thùng. Để phân biệt cái thùng này với cái thùng khác, người ta dán nhãn lên các thùng, thí dụ: A, B, co_do_hue… Các từ “A”, “B”, “co_do_hue” đó được gọi là các biến. Gọi là biến vì dữ liệu của các biến có thể thay đổi.

Một số quy tắc cần biết khi đặt tên biến:

  1. Tên biến phải được bắt đầu bằng một ký tự (a đến z, hoa hoặc thường). Thí dụ: “4u” là một tên biến không hợp lệ.
  2. Tên biến chỉ gồm các ký tự, số và dấu gạch nối (“_”), không chữa các ký tự khác. Thí dụ tên biến “a&b” là không hợp lệ.
  3. Matlab có phân biệt chữ hoa và chữ thường, nghĩa là “An” và “an” là hai biến khác nhau.
  4. Tên biến không được trùng với các từ khóa trong Matlab. Thí dụ không thể đặt một tên biến là for, vì đây là một từ khóa. Để biết được tất cả các từ khóa, thực hiện lệnh iskeyword.
  5. Tùy phiên bản khác nhau mà độ dài tối đa của tên biến sẽ khác nhau. Kiểm tra độ dài tối đa của tên biến bằng lệnh namelengthmax.

Trong Matlab, mỗi biến đều là một ma trận hay một mảng (hai cái này là thương hiệu của Matlab mà). Vì vậy, khi gán một giá trị cho một biến thì biến đó là một ma trận có kích thước là 1×1 (hoặc mở rộng ra nhiều chiều khác nữa). Thí dụ, khi ta thực hiện lệnh:

>> a = 5

thì Matlab sẽ tạo một ma trận a có kích thước là 1 hàng x 1 cột, chứa giá trị là số 5. Vì vậy khi đó ta có thể thực hiện lệnh:

>>a(1,1)

lệnh này sẽ gán giá trị của a cho biến ans. (Bạn có biết là vì sao nó lại gán cho biến ans không? Nếu không nhớ thì nhấn vào đây để xem giải thích)