Hiểu nôm na thì “hàm” có vai trò giống như một cái khuôn, có tác dụng nhào nặn dữ liệu đầu vào để cho ra kết quả đầu ra (xem hình minh họa bên dưới).
Thí dụ, khi ta thực hiện lệnh:
>> sin(1)
là ta đã nhập một dữ liệu đầu vào bằng 1 (đơn vị là radian) cho một hàm tên là “sin”. Hàm này nhào nặn một hồi con số 1, sau đó trả về một kết quả (tức là đầu ra) bằng 0.8415. Điều này được minh họa như trên hình vẽ sau:
Chương trình Matlab thiết lập sẵn một lô một lốc các hàm rất đồ sộ để thực hiện gần như tất cả các tính toán toán học mà một người bình thường được học trong chương trình học từ tiểu học đến tiến sĩ (nổ vậy không biết đúng không nữa, nhưng bản thân mình chưa từng thấy điều này sai). Bạn có thể tham khảo một số hàm thường dùng ở đây.
Mặc dù có một số lượng các hàm khủng như vậy, nhưng Matlab vẫn sợ chưa đủ. Mà nó chưa đủ thiệt, vì các hàm của nó chỉ phục vụ cho các tính toán toán học, chứ không có các hàm phục vụ cho mục đích riêng của từng người làm việc trong từng ngành khác nhau. Ví dụ, hiện nay nó không có hàm để tính cốt thép cho một cấu kiện bê tông cốt thép. Hoặc nó cũng không có hàm để tính ma trận độ cứng cho một phần tử thanh dàn… Để có thể phục vụ cho nhu cầu tính toán của mọi người, Matlab cho phép người sử dụng tự định nghĩa riêng các hàm của mình. Xem tại đây để biết cách xây dựng một hàm trong Matlab.