Mỗi người có mỗi phong cách đọc khác nhau. Vì vậy không thể lấy cách đọc của người này để áp đặt cho người khác. Tuy nhiên, mình nghĩ vẫn nên có một lời khuyên để bạn có chỗ tham khảo.
Mặc dù mình đã rất cố gắng tìm cách để bạn có thể hiểu từng nội dung trong tài liệu. Tuy nhiên, mục đích này có đạt được hay không lại không chỉ phụ thuộc vào cố gắng của mình mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như: nền kiến thức hiện tại của bản thân mình, khả năng diễn đạt của ngôn ngữ mà mình đang sử dụng, nền kiến thức hiện tại của bạn, tâm trạng lúc bạn đang đọc, thời gian mà bạn đầu tư cho việc đọc…
Khi đọc một nội dung nào đó mà bạn thấy chưa hiểu thì bạn không cần dừng lại để cố hiểu nó, ngay cả khi mình khuyên bạn làm vậy 😕. Bạn cứ bỏ qua phần không hiểu để đọc tiếp, mai mốt rảnh hoặc cần thì đọc lại. Nhiều thứ bây giờ đọc thì chưa hiểu nhưng vài hôm nữa đọc lại thì hiểu. Tại sao vậy? Tại vô vàn lý do như: (1) vài hôm nữa thì bạn trở thành người khác, chứ không phải người của hiện tại; (2) vài hôm nữa là thời gian khác chứ không phải thời gian hiện tại; (3) vài hôm nữa là một không gian khác chứ không phải không gian hiện tại; (4) vài hôm nữa bạn được thở không khí khác chứ không phải không khí hiện tại; (5) vài hôm nữa thì nội dung đó nó được viết theo kiểu khác chứ không phải được viết theo kiểu như hiện tại 😲…
Bạn biết không, nếu đọc đến phần nào không hiểu mà phải dừng lại thì mình đã dừng sự nghiệp học hành từ hồi còn học tiểu học rồi. Những nội dung hồi đó mình không hiểu (mà vẫn phải ráng học cho thuộc) thì nhiều vô khối. Sau này lớn lên mới phát hiện những thứ mình được học hồi nhỏ nó thâm sâu khủng khiếp…
Tiếp nữa là những ví dụ mình đưa ra trong tài liệu đều nhằm mục đích minh họa và làm rõ những kiến thức quan trọng. Vì vậy, sau khi đọc qua cho biết thì bạn nên tự mình làm lại những ví dụ đó. Mỗi khi làm như vậy bạn sẽ thấy bạn hiểu thêm được nhiều điều.
Cái nữa, không biết khuyên vầy đúng hay sai, là tạm thời bạn hãy tin rằng những thứ mình viết là đúng đi. Tin vậy giúp bạn nhanh chóng thấy được những cái sai, nếu có, của mình. Bạn biết không, có những nội dung mình chỉ cần giải thích khoảng 5 phút là một em sinh viên nó hiểu liền, trong khi cũng cùng nội dung đó mình giải thích cho một kỹ sư cả buổi ổng cũng không hiểu. Tại sao hả? Tại vì em sinh viên kia nó tin mình, nó đặt nó vào vị thế của một người đang học, còn ông kỹ sư kia thì ổng đóng não lại ngay từ đầu bằng một cái khóa không thể crack được là: mầy là ai mà lại dạy tao!
Đường đến chân lý bắt đầu từ niềm tin.